Cuộc đời Tư_Mã_Thiên

Thân thế

Tư Mã Thiên sinh năm Hán Cảnh Đế thứ 5 (145 TCN), người ở Hạ Dương thuộc Tả Phùng Dục (左馮翊), nay là Hà Tân của tỉnh Sơn Tây, lại có thuyết nói là huyện Hàn Thành, Vị Nam thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Vì không có những tài liệu gì về ông, người ta chỉ dựa vào bức thư ông trả lời cho Nhâm An năm 93 TCN, năm đó ông 53 tuổi[1].

Ông sống thời thơ ấu ở Long Môn, trong một gia đình có truyền thống làm sử. Hai chữ Tư Mã có từ đời nhà Chu và dùng để gọi một chức quan võ coi tất cả các việc binh trong nước, tức là chức Binh bộ Thượng thư đời sau. Đời Chu Tuyên Vương (827 TCN-782 TCN) một người giữ chức đó có công, được vua cho phép lấy chức làm họ. Sau đó họ Tư Mã có vài người làm sử quan ở nhà Chu. Thời Chiến Quốc, nước Tần có tướng giỏi là Tư Mã Thác thời Tần Huệ Văn vương, đã cùng Trương Nghi đánh bại Thục, giết chết vị vua Khai Minh cuối cùng, truất Thục vương đổi hiệu làm Hầu.

Ông nội của Tư Mã Thiên là Tư Mã Hỉ (司马喜), cháu 8 đời của Tư Mã Thác, nguyên ở huyện Dạ Thị (皮氏县; nay là Hà Tân, Vận Thành), từng làm "Ngũ đại phu" (五大夫). Cha của Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm (司馬談), làm Thái sử lệnh thời Hán Vũ Đế, là một người học rộng, thích học thuyết Lão Trang, có một thiên "Luận lục gia yếu chỉ" (论六家要旨), bình luận về các học thuyết của Âm dương, Nho giáo, Mặc gia, Pháp gia, Danh giaĐạo gia.

Sự nghiệp

Từ nhỏ, Tư Mã Thiên đã được học nhiều sách văn họcsử học thời đó. Lên mười tuổi, ông đã học Tả truyện, Quốc ngữ, Thế bản và thuộc lòng hầu hết những bài văn nổi tiếng của thời trước. Ông từng là học trò của một số nhà Nho học như Khổng An Quốc (孔安國) và Đổng Trọng Thư.

Năm 20 tuổi, nhờ sự hỗ trợ của cha, Tư Mã Thiên đã bắt đầu chuyến du hành vòng quanh đất nước, thu thập các tài liệu và bằng chứng lịch sử. Mục đích của chuyến đi là để kiểm chứng các lời đồn đại và truyền thuyết và để thăm viếng các di tích lịch sử, như mộ của Hạ Vũ. Ông đã đi qua Sơn Đông, Vân Nam, Hà Bắc, Chiết Giang, Giang Tô, Giang Tây, Hồ Nam...

Sau chuyến đi trở về, ông được chọn làm "Lang trung" (郎中) trong chính quyền, với nhiệm vụ đi kiểm tra từng địa phương cùng Hán Vũ Đế (vào khoảng từ 122 TCN đến 116 TCN). Sau ông được phụng sứ đi thanh tra các miền Ba Thục, Cung, Tạc, Côn Minh tức những miền mà nhà Hán mới chinh phục được ở phía Tây Nam. Phía bắc ông lên tới Vạn Lý Trường Thành và Sóc Phương. Năm 110 TCN, sau cuộc tuần du, cha ông lâm bệnh và gọi Tư Mã Thiên về để nối nghiệp. Tư Mã Đàm có ước nguyện viết tiếp Tả truyện. Kế nghiệp cha, ông nhận chức Thái sử lệnh, một chức quan vừa giữ việc chép sử vừa coi về thiên văn, làm lịch, nhưng lại là một chức nhỏ nên hay bị coi thường. Năm 104 TCN, ông cùng một vài người nữa sửa lại lịch. Ông thu thập hết tài liệu trong các sách của thư viện triều đình.

Năm 99 TCN, ông bị vướng vào Vụ án Lý Lăng. Lý Quảng LợiLý Lăng, hai quan võ đương triều đã không hoàn thành nhiệm vụ trong một cuộc chiến với Hung Nô ở miền Bắc. Hán Vũ Đế và đa số các quan trong triều cho rằng tội trạng thuộc về Lý Lăng. Chỉ mình Tư Mã Thiên bênh vực vị tướng này. Hán Vũ Đế cho rằng Tư Mã Thiên, qua việc bảo vệ Lý Lăng, đã ngầm chê Lý Quảng Lợi, anh vợ của Vũ Đế, là nhút nhát. Tư Mã Thiên bị tội tử hình, nếu không chuộc bằng tiền bạc hoặc bị cung hình (thiến). Do không đủ tiền chuộc, ông đành chọn bị thiến và bị cầm tù.

Sau khi ra tù, Tư Mã Thiên được làm Trung thư lệnh, đây là chức quan to, ở gần vua, được ra vào cung cấm, xem các tài liệu mật, chức này chỉ dành cho hoạn quan. Thỉnh thoảng ông được đi theo vua trong các cuộc tuần du. Không được giữ chức Thái sử nữa, lại luôn cảm thấy nhục nhã vì hình phạt, ông dồn tất cả tâm sức cho bộ Sử ký và hoàn thành nó năm 97 TCN (có sách nói là năm 91 TCN, lúc ông trên 55 tuổi).

Không ai để ý tới ông cả và ông mất năm nào cũng không biết rõ. Theo Vương Quốc Duy trong "Thái sử công niên khảo" có lẽ ông mất vào năm 60 tuổi, năm 86 TCN cùng một năm với Hán Vũ đế.